Theo dự thảo Quyết định cơ chế giá khuyến khích cho điện mặt trời sau ngày 30/6/2019 vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng, giá loại năng lượng này lại được đề xuất chỉ còn một vùng. Theo đó, giá với điện mặt trời nổi là 7,69 cent một kWh, tương đương 1.758 đồng. Còn điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent (1.916 đồng) một kWh.
Dự án điện mặt trời nối lưới có giá cố định 7,09 cent một kWh, tương đương 1.620 đồng một kWh, với dự án đã ký hợp đồng mua bán điện, đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019 và vận hành thương mại giai đoạn 1/7/2019 đến hết năm 2020. Giá mua điện này chưa gồm thuế VAT, biến động tỷ giá VND/USD và có hiệu lực trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
So với giá mua điện áp dụng trước 30/6/2019 (mức chung là 9,35 cent một kWh), giá mua dự án điện mặt trời nối lưới giảm đáng kể.
Công nghệ điện mặt trời | Giá điện trước ngày 30/6/2019 (đồng/kWh) | Giá điện sau ngày 30/6/2019 (đồng/kWh) | Tương đương cent/kWh |
Điện mặt trời nối lưới | 2.086 | 1.620 | 7,09 |
Điện mặt trời nổi | 2.086 | 1.758 | 7,69 |
Điện mặt trời áp mái | 2.086 | 1.916 | 8,38 |
Dự thảo Quyết định giá khuyến khích với điện mặt trời của Bộ Công Thương.
Riêng với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021 với tổng công suất không quá 2.000 MW là 9,35 cent một kWh (khoảng 2.086 đồng một kWh). Giá này chưa gồm thuế VAT, biến động tỷ giá và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành.
Các dự án điện mặt trời khác sẽ xác định giá thông qua đấu thầu. Bộ Công Thương cho biết, đang phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức quốc tế xây dựng cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng xem xét, ban hành làm cơ sở thực hiện với các dự án còn lại.
Một phần dự án điện mặt trời áp mái tại Thống Nhất Đồng Nai.
Góp ý kiến, EVN cho rằng, điều kiện dự án đã và đang thi công có hợp đồng PPA phải đáp ứng điều kiện chủ đầu tư phải có hợp đồng xây dựng trước ngày 22/11/2019 của bất kỳ hạng mục nào thuộc hàng rào dự án và có bằng chứng về hợp đồng đó đang được thực hiện.
Cũng theo EVN, theo kinh nghiệm thực tế, không phải 100% các dự án điện mặt trời đều có thể vào đúng tiến độ yêu cầu vì một lý do nào đó không lường trước, vì thế trường hợp dự án điện mặt trời thuộc đối tượng hưởng giá FIT mới hoặc các dự án tại Ninh Thuận được hưởng giá FIT trước đây chỉ vận hành thương mại một phần trước 31/12/2020. EVN đề nghị Bộ Công Thương xem xét các dự án này tiếp tục được hưởng cơ chế giá FIT với một hệ số khấu trừ nhất định, ví dụ 5% cho mỗi quý bị chậm, do không thể đưa phần còn lại của dự án ra chọn chủ đầu tư theo cơ chế đấu thầu.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, điều kiện cơ sở về dự án đã và đang thi công được xem xét theo quy định Nghị định 59 về quản lý đầu tư xây dựng. Vì thế, giá cố định 7,09 cent một kWh chỉ áp dụng với dự án đã có hợp đồng mua bán điện, kịp vào vận hành trong năm 2020.
“Việc bổ sung thêm dự án vào chậm sau 2020 vẫn tiếp tục được hưởng giá FIT có thể dẫn tới sự hiểu sai về định hướng chính sách”, Bộ Công Thương đánh giá.
Thống kê của cơ quan này, có 7 dự án điện mặt trời đủ điều kiện hưởng mức giá 7,09 cent, với tổng công suất 320 MW.
Thẩm định dự thảo, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, cân nhắc rà soát tổng thể các dự án điện mặt trời, cũng như có đánh giá tác động quyết định này với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050. Cơ quan này đặt vấn đề “có hay không ảnh hưởng với các nhóm dự án điện mặt trời trước đó, phát sinh tranh chấp với cơ quan Nhà nước. Nếu áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá thì các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư sẽ tham gia đấu thầu, đấu giá ra sao”.
Thống kê mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến hết tháng 12/2019, đã có 91 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất 4.550 MW. Trong khi đó gần 19.400 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt, công suất 318 MW, và hơn 70% tập trung khu vực phía Nam.
Anh Minh