Mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp là một mũi tên trúng nhiều đích nhờ tối ưu hóa được tài nguyên đất đai và nhu cầu sử dụng điện tại chỗ.
Nhà nước cần có chiến lược quốc gia và các chính sách để mô hình này phát triển. Đây là nội dung chính trong báo cáo “Mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam”.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia năng lượng trong nước và quốc tế bao gồm ông Rainer Brohm, chuyên gia quốc tế về năng lượng mặt trời cùng với TS Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia kinh tế năng lượng kiêm hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các nghiên cứu viên của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) với sự hỗ trợ tài chính của Rosa Luxemburg Stifftung.
Tối ưu hóa tài nguyên
Theo nghiên cứu, trong thời gian gần đây sự bùng nổ và tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại một số khu vực đã gây nên mối quan ngại về vấn đề sử dụng đất, ảnh hưởng đến quỹ đất cho phát triển nông nghiệp và sinh kế của người dân địa phương. Nhóm chọn thành phố Cần Thơ để triển khai nghiên cứu bằng các hoạt động khảo sát thực địa, tổng hợp – phân tích số liệu về đất đai, tiềm năng năng lượng mặt trời. Cần Thơ được chọn vì đây là địa phương có thể mạnh về nông nghiệp, nằm ở trung tâm của ĐBSCL và quan trọng là tiềm năng phát điện mặt trời cao.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tiềm năng kỹ thuật của thành phố Cần Thơ (không tính diện tích đất lúa) khoảng 700 – 1.100 MWp, tương đương sản lượng điện tiềm năng từ 1 đến 1,5 TWh, có thể đáp ứng 46 – 70% nhu cầu điện hằng năm của thành phố này. Nếu tính luôn đất trồng lúa, tiềm năng sẽ tăng lên 7.500 – 11.300 MWp, tương đương 10,5 – 16 TWh. Sản lượng này vượt xa nhu cầu điện của thành phố.
Chi phí ứng dụng mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp cho thấy chi phí sản xuất 1 kWh điện khoảng 9,07 – 9,81 cent. Mức giá này rất sát với giá FiT hiện nay của Việt Nam là 9,35 cent.
Vì đây là mô hình kết hợp nên người nông dân vẫn có thể sản xuất kết hợp các loại nông sản: lúa, ngô, đậu tương, vừng, rau xanh, sắn/sắn dây, gia súc, cá và tôm.
Cần chiến lược
Từ những kết quả nghiên cứu trên, báo cáo đề xuất: Cần xây dựng lộ trình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở thành phố Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung. Cần lựa chọn đối tượng giống cây trồng vật nuôi phù hợp cho mô hình. Vận động sự ủng hộ của các nhà quản lý, kiến tạo chính sách hay tổ chức tài chính, nâng cao nhận thức cho nông dân và các bên liên quan khác trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng. Xác định những rào cản tiềm tàng trong việc quản lý đặc biệt là các quy trình sử dụng đất. Ở cấp quốc gia, cần mở rộng áp dụng giá FiT cho mô hình sử dụng kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp. Xem xét đề cập mô hình này trong quy hoạch chiến lược quốc gia và các công cụ chính sách như Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh…
Mô hình đa mục tiêu, phát triển mạnh trên thế giới
Mô hình kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp ra đời ở Đức năm 1980 và sau đó lan ra một số nước trên quy mô nhỏ. Gần đây, ngày càng nhiều dự án thương mại quy mô lớn hơn đã được áp dụng tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Pháp.
Ưu điểm đầu tiên và lớn nhất là có thể giải quyết xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực. Bên cạnh đó nó còn mang lại cho cộng đồng nhiều lợi ích kinh tế xã hội như: tiết kiệm chi phí năng lượng, tăng thu nhập cho nông dân địa phương nhờ tăng vốn đầu tư và thu thuế, cải thiện cơ hội quảng bá và sức cạnh tranh, có thể cải tiến các phương thức sản xuất nông nghiệp, giảm nhu cầu năng lượng, giảm phát thải khí CO2 và phát thải gây nguy hại khác tại địa phương từ các nhà máy nhiệt điện truyền thống.
Việt Nam nuôi tôm kết hợp điện mặt trời
Tại Việt Nam, tháng 5.2018, ở TP.HCM, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Hiệp hội Năng lượng mới và tái tạo Hàn Quốc tổ chức hội thảo quốc tế về tích hợp nuôi trồng và chế biến thủy sản, trái cây… và năng lượng tái tạo. Theo Tổng cục Thủy sản: Chi phí tiền điện chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong nuôi tôm. Tính ra mỗi ha nuôi tôm thâm canh, chi phí tiền điện từ 50 – 200 triệu đồng/vụ. Có khoảng 10 – 30% diện tích nuôi tôm thâm canh ở nước ta thường xuyên bị thiếu điện. Nuôi tôm cần điện để chạy máy sục khí oxy thường xuyên, nhiều trang trại đang phải dùng máy chạy bằng dầu, làm tăng đáng kể chi phí nuôi tôm. Theo Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC), sản lượng điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tăng gấp 2 lần mỗi năm ở khu vực phía nam. Việc cấp điện vẫn gặp nhiều khó khăn như quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện. Phát triển năng lượng tái tạo cho hệ thống nuôi trồng thủy sản cần được coi là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng tại chỗ.