Nhờ có dự án năng lượng mặt trời, nhiều bản làng vùng cao của tỉnh Quảng Bình giờ đây đã có ánh sáng đèn điện, thắp lên bao ước mơ, hy vọng cho đồng bào dân tộc nơi biên ải về một cuộc sống mới, một tương lai tốt đẹp hơn.
Điện không còn là ước mơ
Bản Chà Cáp, thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa là một trong những bản vùng cao, khó nhất của tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi sinh sống của đồng bào người Khùa, toàn bản hiện có tất cả 49 hộ dân với 261 nhân khẩu. Với người dân nơi đây, khi cuộc sống còn đầy rẫy những khó khăn, cái đói, cái nghèo vẫn còn hiện hữu thì ước mơ về ánh sáng đèn điện quả là xa vời.
Thế nhưng nhờ vào dự án điện năng lượng mặt trời, ước mơ đó nay đã không còn là điều viển vông đối với dân bản Chà Cáp nói riêng và nhiều bản làng dân tộc vùng biên viễn của tỉnh Quảng Bình nói chung.
Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời này được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và triển khai xây dựng vào cuối năm 2015. Dự án này nhằm cung cấp điện cho các bản làng vùng sâu, vùng xa, nơi chưa thể kéo được hệ thống điện lưới tại tỉnh Quảng Bình. Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã chính thức đi vào hoạt động, mang điện về với đồng bào, với những bản làng xa xôi nơi biển giới.
Tại bản Chà Cáp, hệ thống năng lượng mặt trời cũng đã được vận hành và đi vào hoạt động vào đầu năm 2018, đưa điện về với từng hộ dân, thứ mà biết bao đời nay, người Khùa tại bản Chà Cáp vẫn luôn khao khát.
Trò chuyện với Dân trí, ông Hồ Son, Trưởng bản Chà Cáp cho biết, chưa bao giờ ông vào dân bản cảm thấy vui mừng đến thế. Giờ đây, khi đêm xuống, người dân tại bản Chà Cáp không còn phải chong đèn ắc-quy hay nhóm bếp lấy ánh sáng nữa, mà đã có thể quây quần dưới ánh đèn điện cùng xem tivi, mở mang thêm kiến thức xã hội.
“Ngày trước về xuôi thấy người dưới đó buổi tối thì có đèn, có cái tivi xem, nóng thì có cái quạt, tui cũng thích lắm. Mô có giám nghĩ giờ đây bản mình cũng có điện như dưới xuôi. Ngày có điện, được hướng dẫn sử dụng điện, cả bản ai ai cũng vui và thích lắm, bản còn mổ lợn để ăn mừng nữa”, ông Hồ Son hồ hởi nói.
Bước đệm cho tương tươi sáng
Điện về bản không chỉ làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân mà còn mở ra niềm hy vọng về một cuộc sống mới. Hứa hẹn giảm đi cái đói, cái nghèo của đồng bào dân tộc nơi biên ải, tạo động lực để họ lao động, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng đi lên.
Từ ngày có điện, Chà Cáp trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Khi hoàng hôn buông xuống, cả bản lại bừng sáng nhờ ánh đèn điện, những âm thanh rộn ràng của tiếng nhạc, tiếng tivi bắt đầu phát ra từ những mái nhà sàn, xua đi sự vắng lặng, hoang vu của núi rừng.
“Có điện rồi dân bản mừng lắm. Ban đêm không phải đốt củi rừng nữa mà chỉ cần bật công tắc là có ánh sáng rồi. Từ khi có điện, nhiều người trong bản còn mua tivi về xem, mua đài về nghe. Vợ chồng mình cũng đang chăm con bò, con dê, ít nữa bán rồi sẽ về xuôi mua tivi và cả quạt nữa”, chị Hồ Thị Phoong, một người dân tại bản Chà Cáp tâm sự.
Nhờ có điện, tình trạng trai bản lang thang uống rượu hết nhà này đến nhà khác tại bản Chà Cáp cũng đã giảm hẳn, thay vào đó là tập trung xem tivi, nói chuyện rôm rả, bàn chuyện làm kinh tế đến tận khuya.
Các em học sinh tại bản Chà Cáp cũng được học bài tốt hơn trong ánh sáng của đèn điện, tiếp cận nhiều hơn với các chương trình khoa học bổ ích; được hưởng những làn gió từ quạt điện trong những ngày hè nóng nực.
Cô giáo Cao Thị Hương, một giáo viên mầm non cắm bản tại Chà Cáp chia sẻ rằng, giờ đây khoảng cách về địa lý dường như đã được kéo lại gần hơn. Các thầy, cô miền xuôi lên cắm bản có thể gọi điện thoại về cho người thân, gia đình mà không còn phải tiết kiệm từng phần trăm pin như trước. Các phòng nội trú cũng đã được thắp sáng nhờ đèn điện, xua đi màn đêm u tối của rừng thẳm, tiếp thêm động lực lớn lao để các giáo viên tiếp tục sự nghiệp gieo con chữ Bác Hồ cho học sinh dân tộc.
Mới chỉ cách đây mấy tháng, từ một bản nghèo còn xa lại từ cái tivi đến cái công tắc điện, cuộc sống của người dân Chà Cáp đang có những sự đổi thay diệu kỳ. Ánh sáng văn minh về bản cũng sẽ góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo động lực để đồng bào vươn lên, hướng về một tương lai no đủ hơn.